Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

Nâng cao kĩ năng đàm phán...

KĨ NĂNG ĐÀM PHÁN


Kĩ năng đàm phán là một  kĩ năng mà ai cũng cần vì nó có một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống nhất là phương diện kinh doanh. Đàm phán nói một cách nôm na dễ hiểu là " mặc cả", là cách thức để đạt được cái mà ta mong muốn. Đó là quá trình giao tiếp, thảo luận nhằm đạt được thỏa thuận và bảo vệ quyền, lợi ích của mình thông qua cơ chế hai bên cùng nhau chia sẻ và đối kháng.

Khi bạn đang có nhu cầu tìm việc làm, yếu tố đầu tiên bạn quan tâm có phải là lương? Xu hướng tuyển dụng hiện nay đó chính là bạn sẽ được thỏa thuận trực tiếp với nhà tuyển dụng về mức lương mong muốn của bản thân. Khi gặp một bản thông báo tuyển dụng, thấy những nội dung như: lương thỏa thuận, salary negotiations...Bạn có ý nghĩ như thế nào? Nhiều người cho rằng, nhà tuyển dụng mập mờ trong việc chi trả thù lao chính vì vậy sinh ra cảm giác đề phòng và e ngại khi lựa chọn công việc này.



Với bản thân tôi, vì là sinh viên năm ba ngành Quản trị nhân sự nên tôi luôn muốn được thử sức với các nhà tuyển dụng để thu thập cho riêng mình những kiến thức từ thực tế trước khi chính thức vào nghề. Cầm trong tay bản CV và đơn xin việc viết tay một cách cẩn thận và bì hồ sơ tự thiết kế, tôi đã nộp vào vị trí thực tập sinh các công ty như Gạch Đồng Tâm, Big C, FPT. Tôi nghĩ tôi đã gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng thông qua hồ sơ xin việc của mình và chính vì vậy tôi đã nhận được lời mời phỏng vấn. Vòng đầu tiên là vòng phỏng vấn nhóm và tiếp theo là phỏng vấn cá nhân thất bại của tôi xuất phát tại đây. Khi được hỏi: "Mức lương mà em mong muốn khi làm việc chính thức khi ra trường là bao nhiêu?". Dường như theo mô típ, tôi trả lời mức lương mong muốn của mình là 4-5 triệu. "Vậy hiện nay, nếu được nhận vào làm việc em muốn lương như thế nào?"( vị trí thực tập sinh có lương) Tôi trả lời rằng: "Với vị trí thực tập sinh, em không đặt nặng vấn đề tiền lương. Nếu việc trả lương cho em không ảnh hưởng nhiều cho công ty thì công ty có thể trả cho em 3 triệu". Và vài ngày sau, tôi mới cảm thấy mình rất thiếu kĩ năng đàm phán trong giao tiếp với nhà tuyển dụng.


Câu dấu chấm hỏi luôn được tôi đặt ra khi gặp các câu hỏi tương tự như trên trong việc đàm phán lương là: Làm sao để nhà tuyển dụng cảm thấy mình thật sự khôn ngoan và có năng lực trong cách trả lời? Câu trả lời ra sao để các nhà tuyển dụng không cảm thấy mình đang "đánh phủ đầu" họ? Bao nhiêu là đủ để phù hợp với năng lực bản thân mà không quá cao hay quá thấp?. Và tôi cũng tìm được câu trả lời cho bản thân thông qua sự giúp đỡ của cố vấn học tập của mình: Tại sao không trao đổi với nhà tuyển dụng để bản thân được đặt vào vị trí chủ động mà không bị áp đặt vào vị trí bị động? Đó là bước đầu để đàm phán, bài học được rút ra khi thất bại không biết bao lần.



Nói tới đàm phán, chắc hẳn nhiều người liên tưởng đến chính trị hay kinh tế mà hầu như không thấy hết được Đàm phán có mặt trên mọi phương diện của cuộc sống như: Học tập, mua sắm, xin việc làm...Và làm thế nào để có một kĩ năng đàm phán có hiệu quả:
  • Chuẩn bị tất cả về mọi thứ: kiến thức, tinh thần....Đặc biệt là xác định mục tiêu đặt ra.
  • Tự điều chỉnh phản ứng của bản thân phù hợp với tình huống thực tế.
  • Lắng nghe một cách cẩn thận.
  • Trực tiếp thảo luận, không phải thắng thua hay cải lý mà là đối kháng để bảo vệ lợi ích hai bên.
  • Hiểu được vị trí của bạn ở đâu? Bạn là người cần họ hay ngược lại.
  • Nắm bắt được đối phương. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.
  • Mọi người điều là người chiến thắng sau khi đàm phán kết thúc.
  • Quan trọng nhất là bạn phải có kĩ năng giao tiếp hiệu quả và kĩ năng thuyết phục người khác.


Kĩ năng đàm phán cũng giống như bất kì kĩ năng nào khác, nó có thể được tích lũy và học hỏi. Vì vậy, để trở thành một nhà đàm phán giỏi, bạn cần nắm rõ tâm lí, đọc được suy nghĩ của đối phương và luôn luôn hướng tới một phương pháp đàm phán hiệu quả và lâu dài nhất. Đừng để những người đã từng đàm phán với bạn sẽ không muốn hợp tác với bạn thêm lần nào nữa! 

'""No – one gets an iron – clad guarantee of success. Certainly, factors like opportunity, luck and timing are important. But the backbone of success is usually found in old – fashioned, basic concepts like hard work, determination, good planning and perseverance.""Không ai có được bảo đảm chắc chắn thành công. Chắc chắn những yếu tố như cơ hội, sự may mắn và thời điểm là quan trọng. Nhưng xương sống của thành công thường được tìm thấy trong các khái niệm cơ bản, cổ hủ như làm việc chăm chỉ, quyết tâm, lên kế hoạch cẩn thận và kiên trì.

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

Kĩ năng giao tiếp qua Email chuyên nghiệp....

Khi nộp đơn xin việc qua Email, chắc chắn rằng các bạn sẽ rất băn khoăn trong việc bắt tay viết Email. Những lưu ý gì khi viết? Làm sao để lời văn được trôi chảy? Nhà tuyển dụng có ấn tượng với bạn hay không? Là những câu hỏi luôn xoay quanh ý nghĩ về vấn đề giao tiếp qua Email. Và đến với topic hôm nay, vấn đề sẽ được gỡ rối đi phần nào.

Cùng với sự phát triển của mạng thông tin, nhu cầu trao đổi thông tin là rất lớn. Nếu như ngày xưa người ta dùng phương thức chuyển thư bằng tay để trao đổi thông tin thì ngày nay có quá nhiều lựa chọn khác để bạn trao đổi thông tin cho nhau. Bạn có thể gọi điện, gửi tin nhắn sms, gửi tin nhắn facebook, viber, zalo... (dịch vụ OTT) hoàn toàn miễn phí và rất nhanh chóng. Thế nhưng Email là thứ rất quan trọng cho việc trao đổi thông tin trong công việc.
Việc soạn và gửi một Email chuyên nghiệp có thể bạn sẽ được sếp đánh giá cao hay gây được ấn tượng với khách hàng/đối tác, đôi khi nó còn ảnh hưởng đến sự thành công trong một cuộc thương thảo nào đó.
Dưới đây, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm về cách thức viết Email chuyên nghiệp. 



Hãy cố gắng từ những việc nhỏ nhất để có thành công trong tương lai. ""Đơn giản có thể khó khăn hơn là phức tạp: Bạn phải nỗ lực thật nhiều trong việc giữ suy nghĩ gọn gàng để đạt được tới sự đơn giản. Nhưng cuối cùng nỗ lực đó đáng giá bởi một khi bạn tới được đó, bạn có thể di chuyển được cả núi non"". -  Simple can be harder than complex: You have to work hard to get your thinking clean to make it simple. But it’s worth it in the end because once you get there, you can move mountains.




Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Ngành Hành chính- Nhân sự tuy hai mà một...

Hành chính nhân sự là một hay hai ngành?


Có khi nào bạn đã đặt ra câu hỏi ấy chưa hay bạn có vô tình được nghe ở đâu đó? Câu trả lời chỉ có được khi bạn thực sự muốn tìm hiểu về khía cạnh này. Và hôm nay, tôi sẽ đi tìm câu trả lời mà bấy lâu tôi luôn thắc mắc.






Để đi tìm đáp án chính xác cho vấn đề, hãy cùng xác định lại hai khái niệm:"" Hành chính là gì? Nhân sự được thể hiện qua khía cạnh nào?""


Hành chính nhân sự theo nghĩa rộng: là chỉ những hoạt động những tiến trình chủ yếu có liên quan đến những biện pháp để thực thi những mục tiêu, những nhiệm vụ đã được xác định trước.Theo nghĩa hẹp, hành chính là hành động quản lý thực tiễn và hoạt động chung nhất của các nhóm người hợp tác với nhau để hoàn thành các mục đích chung.


Và Nhân sự là việc thực hiện các chức năng tổ chức quản trị cơ bản, là làm tất cả mọi công việc trong tổ chức để phát huy có hiệu quả các nguồn lực cho tổ chức đặc biệt là nguồn lực con người.










1. Công việc hành chính:

- Quản lý, sắp xếp văn bản, hồ sơ một cách khoa học;
- Tổ chức lưu trữ văn bản, hồ sơ (bản cứng và bản mềm);
- Cập nhật dữ liệu trong máy tính: thư đi, thư đến, hợp đồng…
- Tạo các biểu mẫu phục vụ cho công việc quản lý một cách có hệ thống;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do cấp quản lý giao.

Vì lẽ đó, một nhân viên hành chính cần phải có:

- Kỹ năng quản lý;
- Kỹ năng lập kế hoạch;
- Chịu được áp lực công việc;
- Sử dụng máy vi tính thành thạo;
- Nhanh nhẹn, giao tiếp tốt. Cẩn thận, chịu khó, có tinh thần ham học hỏi;
- Năng động, sáng tạo, trung thực và hòa đồng;
- Có tinh thần trách nhiệm cao, làm việc theo nhóm và độc lập;
- Có kỹ năng quản lý.

2. Công việc nhân sự:

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng;
- Liên hệ với các đơn vị cung ứng dịch vụ tuyển dụng nhân sự để tuyển nhân viên cho công ty;
- Vận hành hệ thống lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ khác theo đúng quy định của công ty;
- Tham gia xây dựng và giám sát triển khai hệ thống quản trị, đánh giá thực hiện công việc tại các phòng ban, đơn vị đúng quy định;
- Theo dõi và giải quyết chế độ BHXH, BHYT cho người lao động toàn công ty;
- Theo dõi, cập nhật và quản lý hồ sơ, danh sách lao động công ty;
- Thực hiện các công việc khác liên quan dưới sự chỉ đạo của trưởng ban nhân sự;
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo nhằm nâng cao trình độ của cán bộ nhân viên.

Vì lẽ đó, là một nhân viên hành chính cần phải có các yêu cầu sau:

- Am hiểu Luật lao động, bảo hiểm, quy chế lương thưởng, ngày phép là yêu cầu bắt buộc;
- Có kinh nghiệm tuyển dụng, huấn luyện, đào tạo;
- Tính cách hướng ngoại, năng động, hòa đồng;
- Có khả năng xử lý tình huống tốt.

Chính vì vậy ta có thể thấy rõ ngành Hành chính và Nhân sự là hai mảng riêng biệt với chức năng khác nhau nhưng bổ trợ cho nhau. Ở những doanh nghiệp quy mô lớn hoặc các tập đoàn đa quốc gia, hai chức năng này thuộc hai phòng ban khác nhau. 

Việc tìm hiểu hai khía cạnh ngành Hành chính và Nhân sự đã bổ sung được những kiến thức và định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Càng đi sâu vào những mảnh ghép của Quản trị nhân sự, tôi càng cảm thấy tự tin vào quyết định lựa chọn của mình khi đi theo ngành này. ""Lạc quan là niềm tin dẫn tới thành tựu. Bạn chẳng thể làm được điều gì mà thiếu đi hy vọng và sự tự tin."" Helen Keller.

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

Những khó khăn trong việc tiếp cận thông tin

“Tìm kiếm và lấy thông tin, báo giá của các địa điểm có thể tổ chức được 1 buổi trao giải thưởng cho chuỗi sự kiện Thiên Hạ Đệ Nhất Bang ở nơi em đang ở”.  



Đó là nhiệm vụ mà tôi được nhận, khi nhận được nhiệm vụ và hướng dẫn việc thực hiện, tôi có thể hình dung được các bước thực hiện. Thế nhưng, không có con đường nào đã được trải thảm. Việc tìm kiếm thông tin từ các trung tâm hội nghị không hề dễ dàng, có rất nhiều vướng mắc khó khăn thực tế mà tôi gặp phải:

1. Hỏi những người xung quanh: Thông tin được cung cấp không đầy đủ, mơ hồ.
2. Tra cứu trên Google search: Thông tin chung chung, không có bất cứ trung tâm hội nghị nào sẵn sàng đăng lên trên thông tin mạng bảng báo giá hội nghị của mình.
3. Gọi điện 1080 để hỏi tư vấn: Thông tin được đưa ra còn rất mơ hồ, tôi tự cảm nhận họ có thể trả lời một cách qua loa.
4. Đăng lên diễn đàn với topic liên quan: Trong thời gian ngắn ngủi, thông tin đưa ra cho mọi người còn hạn chế. Chính vì vậy những lời tư vấn mà tôi nhận được không đủ cho tôi hoàn thành bản báo cáo.
5. Đến trực tiếp các trung tâm hội nghị, lấy danh nghĩa là nhân viên marketing của Công ty Vinatest, tôi đã mạnh dạn đến quầy tiếp tân của các sảnh trung tâm hội nghị. Và tôi nhận được câu hỏi nhiều hơn là tôi hỏi họ, chẳng còn cách nào khác là tôi trả lời qua loa và nhanh chóng rút lui. 

Không phải con đường nào cũng gặp phải khó khăn, tôi cũng nhận được sự giúp đỡ tận tình của bác Google và các anh chị trong diễn đàn HR. Đây là bài học quý giá cho bản thân tôi để tôi rèn thêm các kỹ năng làm việc trong tương lai. Để có được bản đánh giá thông tin, tôi đã tra cứu và đăng lên các câu hỏi trên mạng xã hội để mong nhận được các phản hồi từ anh/chị đã có kinh nghiệm. Gửi Email tới các trung tâm hội nghị để lấy thông tin bảng báo giá hiện tại và tư vấn lựa chọn dịch vụ.

Với sự nổ lực, tôi đã thành công trong việc thu thập thông tin và lập bảng đánh giá: Bảng thông tin hội nghị

"Những điều bạn muốn luôn luôn có thể đạt được; chỉ là con đường tới chúng không phải lúc nào cũng hiển nhiên. Trở ngại thực sự duy nhất trên con đường đi tới một cuộc sống trọn vẹn là chính bạn, và nó có thể là một trở ngại đáng kể vì bạn mang theo mình hành trang của những nỗi bất an và trải nghiệm từ quá khứ"

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Tổng quan quy trình làm việc cho HR.

    Như đã đề cập ở trên tiêu đề, hôm nay tôi xin giới thiệu đến các bạn quy trình làm việc của một Human Resource. Khi tiếp cận với các vấn đề cơ bản của nghề nhân sự, các bạn có từng đặt ra câu hỏi: " Nghề nhân sự sẽ làm những công việc gì ?" . Tôi chắc rằng để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này là một điều không hề dễ dàng, nhất là những bạn mới tiếp cận với nghề. Thế nhưng với lòng đam mê thì nó cũng không thể nào làm nản đi ý chí học hỏi nghiên cứu của bạn:

1. Nghiên cứu tài liệu là một điều không hề dễ dàng, với một kho tài liệu khổng lồ như hiện nay thì việc chắc lọc tài liệu rất khó khăn. Tìm kiếm tài liệu liên quan đến chủ đề mình cần đã rất khó nhưng những tài liệu đó lại không đồng nhất và rời rạc cấu trúc.
2. Vì nghề nghiệp liên quan đến các văn bản pháp luật và các chính sách của Nhà nước, việc cập nhật thông tin là điều hiển nhiên và chiếm tỉ lệ quan trọng đến hiệu quả thực hiện công việc. Nên trong quá trình nghiên cứu, tài liệu tham khảo sẽ bị giới hạn về thời gian và đối tượng có hiệu lực qua các năm.
3. Các nghiên cứu liên quan đến quy trình làm việc của HR có số lượng rất lớn, thế nhưng tùy thuộc vào điều kiện và môi  trường nghiên cứu được tiến hành mà các quy trình có thể được đưa ra. Điều đáng nói ở đây, là các quy trình có thể không giống nhau tùy thuộc vào người tiến hành hay nghề nghiệp mà họ thực hiện nghiên cứu.
4. Đây là kết quả nghiên cứu của một cá nhân. Chính vì vậy không thể tránh khỏi ý kiến chủ quan của bản thân trong bài viết và có  thể có nhiều ý kiến trái chiều.

Với văn phong hạn hẹp và kiến thức còn hạn chế, bài viết tuy chưa được hoàn thiện nhưng cũng thể hiện được sự đam mê và nhiệt tình của người viết.

Cuối cùng, xin cảm ơn các bài viết chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của thế hệ HR đi trước đã giúp em tiếp cận một khía cạnh mới của nghề. Bài viết rất mong nhận được sự quan tâm và phản hồi từ các độc giả, đó là bài học giúp ích cho việc hoàn thành các bài viết sau.

Trên con đường đi đến thành công thì không thể tránh được những khó khăn vấp ngã, nhưng " Hãy hiểu điều mình muốn làm, giữ vững ý chí đó trong đầu, và hàng ngày hãy làm điều cần làm, và mỗi hoàng hôn, bạn sẽ thấy mình đến gần mục tiêu hơn".