Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Cách nhìn về nghề nhân sự dưới lăng kính của sinh viên quản trị nhân sự !



Khi được nghe những người xung quanh nhắc đến nghề nhân sự, bản thân tôi luôn đặt ra những câu hỏi mà cho đến nay tôi vẫn đang trên con đường tìm ra các câu trả lời cho bản thân sau ba năm góp nhặt kiến thức về nghề nhân sự trên ghế nhà trường:
Nghề nhân sự là gì?
Người làm nghề nhân sự phải như thế nào?

Nhiệm vụ của nghề nhân sự trong tổ chức doanh nghiệp?
Để đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc trên, tôi đã từng đưa ra cho mình những cách tiếp cận mà những ai có những suy nghĩ như tôi đã từng đi qua. Đó là lắng nghe những ý kiến xung quanh từ gia đình, thầy cô và bạn bè...Và theo bạn nghề nhân sự là gì?

Với tôi, nói một cách mĩ miều " nghề nhân sự là nghệ thuật, mà người làm nghề nhân sự là một nghệ sĩ" nói một cách dễ hiểu "nghề nhân sự là một nghề làm tất cả những công việc để khai thác hiệu quả mọi nguồn lực tổ chức có, đặc biệt là con người". Đến đây, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: Vậy phải làm gì để khai thác có hiệu quả nguồn lực của tổ chức?

Nghe đến hai chữ " nguồn lực" có nhiều người sẽ nghĩ đến cơ sở vật chất và con người. Nhưng theo tôi đinh nghĩa như vậy là chưa đủ, nguồn lực bao gồm nhân lực và vật lực như sức mạnh, trí óc của con người...và tiền bạc, nhà máy...Và quan trọng nhất là con người. Con người được nói đến ở đây là nhân tố vô cùng quan trọng, quyết định đến sự thành công hay thất bại của một tổ chức, doanh nghiệp. Nhận định được tầm quan trọng đó, nghề nhân sự được ra đời và được xem là chìa khóa thành công trên con đường mà các nhà lãnh đạo tổ chức lựa chọn.

Khi còn nhỏ, tôi chưa bao giờ nghĩ đến mình sẽ lựa chọn nghề nhân sự để làm kế sinh nhai. Chính vì vậy khi tôi chọn nghề này, mọi người thường hay nói: Vì sao lại đưa ra quyết định như vậy? Làm nghề này thì đối tượng chính là con người, đối tượng khó tiếp cận và có nhiều thách thức trong quản lý. Nhiều người có quan niệm sai lầm là làm nghề nhân sự là một nghề hành chính ổn định, nhưng theo tôi nghề nhân sự là một nghề đầy thách thức và trãi nghiệm. Chính vì vậy muốn thành công trong nghề này bạn phải là một người có đầu óc, logic, trung thực, kiên nhẫn và lòng say mê với công việc. 

Bạn sẽ làm gì khi bị một người nhân viên quát tháo vì bạn trả lương cho họ chậm trễ, trì hoãn trả thưởng cuối tháng nhưng đó không phải do lỗi của bạn mà là do thiếu hụt quỹ lương?  Bạn sẽ ra quyết định gì khi lựa chọn giữa một nhân viên giỏi nhưng chưa có kinh nghiệm làm việc và một nhân viên có kinh nghiệm nhưng bằng cấp không tốt? Những câu hỏi khó hơn nữa sẽ xảy ra trong thực tế chứ không phải là trên lý thuyết sách vở mà bạn có thể tham khảo. Tôi nói thế chỉ để nhấn mạnh rằng, nghề nhân sự không phải là một nghề bàn giấy như nhiều người lầm tưởng. Mà nó là một nghệ thuật trong cách ứng xử quan hệ giữa người và người trong tổ chức, là nghệ thuật nhìn người trong tuyển dụng, là nghệ thuật trong quản lý con người. Nhằm mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho người lao động và sử dụng tối đa hiệu quả nguồn lực mang lại lợi nhuận của tổ chức. Để làm được điều đó, người làm nghề nhân sự phải là một nghệ sĩ có tư duy, trung thực, kiên nhẫn và yêu nghề để đưa ra các tác phẩm nghệ thuật có ích cho xã hội.

Đến đây, có ai đã hình dung được nhiệm vụ của nghề nhân sự trong các tổ chức? Tôi có thể tóm tắt cụm từ như sau: "Thu hút, khai thác, duy trì và phát triển" . Tất cả công việc đó điều hướng đến yếu tố con người trong tổ chức, chìa khóa thành công trên con đường hội nhập.

Dưới cách nhìn còn non nớt của một sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm, tôi đã định hướng cho mình nhiều mảnh ghép ở các khía cạnh khác nhau của nghề nhân sự. Việc đưa ra những định hướng ban đầu về nghề nghiệp tương lai rất quan trọng. Mặc dù chưa có nhiều đánh giá hay những phân tích sâu về nghề nhân sự, nhưng tôi không bao giờ hối hận về quyết định lựa chọn của mình. " Khi bạn phải lựa chọn hay bạn không lựa chọn, chính bạn thân điều đó cũng là một lựa chọn"


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét